Món Bánh nẳng
Bánh nẳng là loại bánh dân dã thường được làm trong những ngày lễ tết của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Ở mỗi vùng niềm cách thức làm bánh nẳng có sự khác nhau tạo nên nét riêng biệt rất riêng cho hương vị bánh.
Nguyên liệu chính để làm nên bánh nẳng vừa dẻo thơm, vừa ngon mắt là gạo nếp và nước nẳng. Sự khéo tay của người đầu bếp được thể hiện ở khâu chế nước nẳng, bánh ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào điều này.
Nước nẳng được chưng cất bằng các loại lá cây, vỏ cây, vỏ quả từ tự nhiên của rừng núi như: lá trầu không, cây đu đủ, cây mận, cây bưởi, vỏ chuối tiêu, vỏ quả sở … Các loại cây sau khi được phơi khô thì đốt thành than đem hòa với nước vôi sau đó gạn cho nước thật trong thì thành nước nẳng để dùng. Một cách hay được bà con áp dụng để kiểm tra xem nước nẳng đạt yêu cầu hay chưa thường dùng lá trầu không nhúng vào khoảng 15-20 giây, vớt ra và bỏ vào miệng nhai mà thấy nước bọt đỏ như nước nhai trầu là được.
Đối với gạo làm bánh nẳng phải là thứ nếp ngon, hạt tròn còn vương mùi nếp mới không dùng gạo nát, cần phải sàng sảy kĩ loại bỏ tấm đem vo sạch. Sau đó, đun cho nước nẳng sôi thêm một lần nữa, khi nước còn âm ấm thì đổ gạo vào ngâm khoảng sáu tiếng đồng hồ thì vớt ra đem gói.
Thông thường lá măng mai, lá dong hay lá chít đều có thể dùng gói bánh. Nhưng lá chít gói bánh nẳng là ngon nhất. Mỗi chiếc bánh nẳng nhỏ và được buộc lạt như bánh chưng Tày. Khi luộc phải đổ nước liên tục, nước phải ngập phần bánh trong nồi, không được để cạn, đến lúc sôi hạ nhỏ lửa để bánh chín rền hơn. Thời gian luộc càng lâu càng tốt, ít nhất 5 tiếng đồng hồ. Bánh luộc xong có màu vàng như mật, có vị đậm, mát.
Bóc từng lớp lá chít ra người ăn đã cảm nhận được vị thơm ngon từ miếng bánh của núi rừng, mùi thơm của bột gạo nhẹ nhàng đầy quyến rũ kết hợp với vị mát dịu đặc trưng của các loại lá cây, mùi thoang thoảng của lá chít khiến bánh nẳng càng lôi cuốn hơn. Cầm miếng bánh chấm vào đĩa mật mía vàng óng hoặc đường đưa lên miệng sẽ thấy hương vị tinh túy nhất của trời đất ẩn trong bánh.