Bánh dày bản Mường
Bánh dày bản Mường khác hẳn với bánh dày Quán Gánh cả về hương vị và chất liệu cũng như quy trình chế biến. Đây là món đặc sản của bà con dân tộc Mường ở bản Sau, bản Ao và bản Cả thuộc xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan (Ninh Bình) chỉ làm đãi khách vào dịp Tết nguyên đán hoặc trong đám cưới.
Nguyên liệu làm bánh duy nhất chỉ có gạo nếp cái hoa vàng. Trước khi chế biến, chủ nhà thường chọn gạo rất kỹ rồi mới vo, ngâm và đồ xôi. Khi xôi chín nhừ, còn đang nóng, họ trút vào cối gỗ, dùng cây vầu tươi, thon chắc có đầu mật và phết một lớp lòng đỏ trứng gà để giã xôi. Khi xôi đã nhuyễn như bột, chủ nhà để sang một chiếc nia và chuyển sang nặn bánh. Khi làm công đoạn này, người nặn xoa qua lòng đỏ trứng gà vào lòng bàn tay để xôi khỏi dính vào.
Khi làm bánh xong, phải để cho nguội rồi mới xếp ra đĩa để tránh bánh dính thành một khối. Mỗi mẻ bánh thường cần 4 kg gạo nếp, làm được 120 chiếc. Bánh khi ăn vừa có hương vị đặc trưng của gạo nếp, vừa có hương thơm của lòng đỏ trứng gà lưu lại qua dụng cụ chế biến. Một chiếc bánh ngon phải vừa bùi, vừa giòn và dẻo.