Măng đắng là sản vật và món ăn rất phổ biến của các dân tộc Tày, Thái, Mường…ở khu vực miền núi phía Bắc của nước ta. Đầu mùa khi những mầm măng mới nhú còn có vị ngọt xen lẫn vị đắng thế nhưng theo kinh nghiệm của người hái măng lâu năm thì cứ hễ có tiếng sấm là măng lại chuyển sang vị đắng nhanh chóng. Lạ kỳ thay bất kỳ món gì đắng đều rất khó ăn nhưng măng đắng lại là món yêu thích của rất nhiều người.

Với măng đắng người ta có thể chế biến thành rất nhiều món hấp dẫn như xào mẻ, luộc, hầm xương, hấp quấn thịt vịt hoặc thịt lợn. Đơn giản nhất là món măng đắng luộc chấm muối ớt mà cũng khiến bao người ăn một lần lại muốn có lần thứ hai, thứ ba. Với những người thích cái vị đắng, vị chát, thay vì luộc, người ta đem nướng măng đắng. Người sành măng đắng, ăn nướng mới thật đã. Khác với các loại măng tươi khác khi chế biến cần ngâm muối để khử bớt vị đắng, cái ngon ở măng đắng chính là vị đắng tê người với những ai lần đầu thưởng thức. Tuy vậy khi ăn, cái cảm giác đắng, chát, cứ mất dần sau mỗi miếng nhai nhẩn nha. Thay vào đó là cảm giác thoang thoảng ngọt, nhẹ nhẹ cay, rất lạ.

măng đắng
măng đắng

Măng đắng hầu như có quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là mùa mưa – mùa măng mọc. Vào mùa này đi chợ ở các tỉnh miền núi phía Bắc bạn sẽ ngay lập tức bị choáng ngợp bởi những gùi, những đống măng xếp la liệt. Thậm chí măng đắng còn được bày bán khắp các con đường lớn nhỏ dẫn vào thành phố hay thôn bản. Mỗi mùa măng người dân lại lục tục rủ nhau vào các cánh rừng vầu để lấy măng. Vừa để ăn thay rau vừa để bán tăng thêm thu nhập. Với đồng bào các dân tộc nơi đây món măng từ lâu đã thường trực trong đời sống hàng ngày, thiếu nó là thấy “nhạt nhẽo” chẳng khác gì người Miền Nam nhớ vị cay của ớt.

Măng đắng giờ đây không chỉ là món ăn dân dã của các dân tộc miền núi mà còn là món ăn yêu thích của tất cả những ai đã một lần thưởng thức. Thậm chí các món ăn chế biến từ măng đắng đã xuất hiện rất nhiều tại các nhà hàng, quán ăn, là món khách du lịch không thể bỏ qua mỗi khi có dịp đến với núi rừng đại ngàn. Có đến tận nơi, nhâm nhi chén rượu nồng, ăn miếng măng đắng hòa cùng với vị cay của muối ớt mới càng thấm hơn cái thú ẩm thực của người vùng cao, giản dị mà không kém phần tinh tế.

Ngon lạ nem măng đắng Tây Bắc

 Cái tên vừa lạ vừa quen. Người miền xuôi coi nem là món rất thông dụng, dễ làm mà lại ngon, bổ dưỡng. Nhưng nem măng đắng của người Tây Bắc lại kì công và độc đáo hơn ở chỗ họ không dùng bánh đa nem để gói mà dùng những lá măng, nhân không phải thịt lợn, tôm… mà dùng thịt gà tơ.

Muốn nem măng đắng ngon thì phải chọn măng đắng đầu mùa, vừa giòn, ngọt và hương vị thơm ngon hơn khi chế biến món ăn. Măng đắng đem về luộc chín, rồi lột lấy những tấm lá bánh tẻ mỏng, nhưng vừa mềm lại vừa dai để thay thế cho những chiếc bánh đa nem thông dụng.

Nhân của món nem măng đắng được làm từ thịt gà băm nhỏ. Gà phải là gà tơ, gà đồi, thịt mới ngọt, ngon, xương mềm. Làm sạch và băm nhỏ cả xương lẫn thịt, cùng với củ kiệu, lá hẹ và các gia vị: hạt tiêu, nước mắm. Tiếp đó là công đoạn gói nem.

 Cho nhân vào từng lá măng, cuốn tròn lại cho khéo để nhân không rớt ra ngoài rồi cho vào chảo mỡ rán vàng. Để nhỏ lửa để nem không bị cháy, lật lại nhiều lần. Khi nem vàng và có mùi thơm thì gắp ra đĩa. Nem măng đắng có thể dùng để nhắm rượu, ăn với cơm đều được.

Vị hơi đăng đắng của măng, vị ngọt của thịt gà tơ, vị béo của dầu, mùi thơm của các loại gia vị sẽ tạo nên hương vị đặc trưng riêng có của nem. Người dân Tây Bắc chỉ làm nem măng đắng trong những ngày truyền thống của làng bản, nhưng nay nó đã xuất hiện nhiều hơn trong bữa ăn để quảng bá với du khách về văn hóa ẩm thực nơi đây.

Văn hóa ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú, chỉ riêng món nem cũng đã có vô số loại. Ba miền, mỗi miền đều có những món nem riêng, hương vị, cách chế biến và ý nghĩa riêng. Mùa xuân sắp tới, nếu có dịp lên Tây Bắc đừng quên thưởng thức món ăn hấp dẫn này.