Không giống như nhiều món bánh khác, bánh trùng không có nhân mà chỉ có lớp mật mía sánh đỏ màu cánh gián phủ bên ngoài, tạo nên vị ngọt thơm cho bánh và cũng là đặc trưng riêng của loại bánh này.
Nếu một ngày ghé qua huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc quê tôi,  bạn đừng quên nếm thử món bánh trùng mật mía đặc sản nơi đây.

bánh trùng mật mía (Vĩnh Phúc)

Bánh trùng mật mía (Vĩnh Phúc)

Theo kinh nghiệm làm bánh, khi làm bánh phải chọn gạo nếp ngon không lẫn tạp, hạt trắng đem đãi sạch, ngâm qua đêm để khi nghiền bột khỏi chua và bánh sẽ dẻo lâu hơn. Bột phải để ráo nước, không được cứng quá cũng không được nhão quá, vì nếu bột cứng bánh sẽ không mềm, còn nếu bột nhão khi luộc bánh sẽ nát không đẹp mắt. Sau đó, cứ nắm bột thành những nắm có hình giống quả trám, to hơn viên bánh trôi một chút là được.
Để làm ra món bánh trùng mật mía, đặc biệt bột không được đun bằng nước sôi già mà phải với mật mía. Mật mía làm bánh theo đó cũng phải là mật của làng Tân An – một làng có nghề làm mật lâu đời của huyện Vĩnh Tường. Mật sánh đặc, thơm lừng giống mùi mía nướng, màu đỏ đậm, hạt mật bám chắc vào nhau. Có vậy bánh khi đun với mật mới có màu đỏ cánh gián hấp dẫn và mùi thơm đặc biệt của bánh trùng.
Mật mía mua về hòa thêm một chút nước lọc để không quá ngọt, quá sánh, khi nấu không dễ bị cháy. Tùy theo sở thích ăn ngọt hay vừa của mỗi người mà thêm nước cho vừa miệng. Lấy một nhánh gừng tươi đập giập rồi thả vào cùng nước mật cho thơm.
Nước mật sau đó đem đun sôi rồi thả từng viên bánh vào để không dính vào nhau. Giữ lửa vừa phải cho tới khi quan sát thấy nước mật sôi trở lại, bánh trong hơn là đã chín. Múc bánh ra đĩa, phủ nước mật vừa đun lên, rắc thêm một chút vừng đã rang thơm vừa đẹp mắt và khi ăn sẽ tạo ra hương vị khá đặc biệt.
Vị ngọt đậm của mật mía, mùi thơm nhẹ của gừng hòa cùng lớp bánh trắng dẻo bên trong, lẫn trong hương thơm của vừng tạo nên một món ăn đặc biệt, ăn thật nhiều mà không sợ ngán.
Bánh trùng quê tôi có thể để được cả tuần lễ mà vẫn không hỏng, chỉ cứng lại. Khi ăn chỉ cần đun nóng là bánh sẽ mềm như mới làm. Bà bảo sở dĩ bánh để lâu được là nhờ lớp mật mía ngọt phủ bên ngoài nên lớp bột nếp không tiếp xúc được với không khí, mật mía ngọt nên cũng không dễ bị hỏng.
Tôi giờ sống ở Hà Nội, cuộc sống xô bồ có lúc cuốn tôi theo dòng đời hối hả, chợt một lúc nào thấy nhớ nhà lại chạy về bên bà để ăn lại món bánh quê hương và yêu thêm mỗi phút giây đoàn tụ gia đình.