Theo đông y, rau muống có vị ngọt, tính hơi lạnh (khi nấu chín thì lạnh giảm) đi vào các kinh tâm, can, tiểu trường, đại trường.Rau muống là loại thực phẩm gắn liền với cuộc sống của mỗi gia đình người Việt. Rau muống có tên khoa học là Ipomoea aquatica Forsk, thuộc họ khoai lang, có tài liệu gọi là họ bìm bìm (Convolvulaceae).

 

Theo kết quả phân tích của y học hiện đại, trong 100g rau muống có: 78,2g nước, 85mg can-xi, 31,5mg phốt-pho, 20g vi-ta-min C và một hàm lượng nhỏ prô-tê-in, sắt, vi-ta-min B2, ca-rô-ten, a-xít ni-cô-tíc, đặc biệt trong giống rau muống đỏ chứa một chất giống như insulin nên đối với người mắc bệnh đái tháo đường ăn thường xuyên rau muống đỏ là rất tốt…

Còn theo đông y, rau muống có vị ngọt, tính hơi lạnh (khi nấu chín thì lạnh giảm) đi vào các kinh tâm, can, tiểu trường, đại trường. Có công năng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, lợi thủy, giải độc khi cơ thể bị xâm nhập các chất độc của nấm độc, cá, thịt độc, khuẩn độc, hoặc độc chất do côn trùng, rắn, rết cắn…

Một số bài thuốc từ rau muống mà dân gian vẫn thường dùng:

Trị trẻ nóng nhiệt ra mồ hôi mùa hè: Rau muống 100g, mã thầy 500g, sắc lấy nước cho trẻ uống thay nước trong ngày. Thanh nhiệt lương huyết, cầm máu, chữa tâm phiền, chảy máu mũi, lưỡi đỏ rêu vàng, khát nước mát, ù tai chóng mặt: Rau muống 150g, cúc hoa 12g, đun sôi 20 phút lọc lấy nước (có thể cho chút đường hòa vào cùng uống trong ngày). Chữa kiết lỵ: Lấy 400g cọng rau muống tươi, vỏ quýt khô lâu năm một ít, nấu nhỏ lửa trong nhiều giờ, lấy nước uống trong ngày. Trị tiểu đường: Rau muống đỏ 60g, râu ngô 30g, sắc lấy nước uống trong ngày, cần uống một thời gian dài. Trị bệnh trĩ: Lấy 100g rau muống nấu nhừ gạn lấy nước, cho 120g đường trắng, nấu lên thấy sánh như kẹo mạch nha lấy uống, ngày hai lần, mỗi lần 100g…

Gần đây, y học hiện đại còn chứng minh, rau muống cung cấp nhiều chất xơ, vi-ta-min C, A…, những người cao tuổi ăn rau muống ngày hai bữa có não trẻ hơn 5 năm và ít bị suy giảm tinh thần hơn 40% so với những người ăn ít rau muống.