Cơn mưa cuối xuân ào ạt tưới tắm cho cây cối, ruộng đồng. Rừng sặt (cây thuộc loại tre, thân nhỏ rất thẳng) Nghĩa Lộ, Yên Bái, như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài: tươi tắn và sung sức. Đất rừng trở nên ẩm mềm và xốp. Chỉ vài ngày sau, măng sặt đồng loạt bật dậy tua tủa. Măng sặt Nghĩa Lộ đã vào mùa.
Măng sặt chỉ to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm và ngọt, rất dễ chế biến, ăn không biết chán.
Từ miếng măng có thể chế biến thành những món ăn sau:
– Măng ninh sườn: Măng bóc vỏ rồi đập dập, ninh với sườn lợn, cà chua và tỏi, thêm một chút hành, mùi thì bao giờ măng cũng hết trước sườn, bữa sau lại mua măng thả vào ninh tiếp, lạ thay măng vẫn cứ “chạy” hơn sườn.
– Măng xào: Măng bóc rồi thái vát mỏng, xào với lòng gà, lòng vịt hoặc thịt bò. Xen với vài lát cà rốt và ớt tươi, mâm cơm đã có đĩa xào đẹp mắt và ngon miệng.
– Măng luộc: Đó là khi măng đã rộ, bạn có thể chuẩn bị một bát mắm tôm, chanh ớt để chấm măng sặt luộc. Nhìn măng trắng nõn, mập mạp xếp trên đĩa, ta chỉ muốn ăn thỏa thích.
– Măng nướng: Măng sặt nướng trên bếp lửa ngọt thơm lạ kỳ, nướng đến đâu, bóc vỏ cháy sém, ăn nóng với mắm tôm ớt rất thú vị.
– Măng rán: Măng sặt luộc chín, đen rán vàng rồi om với thịt vịt và tỏi, ăn nóng với hạt tiêu, hành, mùi rất lạ miệng.
– Măng cay: Măng sặt chẻ nhỏ, ngâm với dấm ớt, ớt phải nhiều và cay, đóng lọ ăn dần cũng rất đưa cơm và ngon miệng.
Gần đây, một số nhà hàng miền xuôi biết tiếng măng sặt Nghĩa Lộ cũng cho xe lên gom măng sặt chở về xuôi, chế biến thành nhiều món ăn ngon làm hài lòng thực khách.