Bánh tẻ Phú Nhi
Bánh được làm từ loại gạo ngon nhất, xay thành bột rồi để cho ráo. Nhân là “linh hồn”của bánh nên không thể làm qua loa. Thịt ba chỉ, mộc nhĩ và hành khô băm nhỏ, cho một chút tiêu, chút muối. Bột bánh được nấu qua cho dẻo, nhân bánh cho vào giữa và rải đều theo thân bánh. Bánh gói bằng lá dong rồi bọc thêm hai lượt lá chuối khô và lấy lạt buộc lại.
Chuyện xưa kể lại rằng: Bánh tẻ được làm ra từ tình yêu của chàng Phú và nàng Hoàng Nhi. Họ biết nhau từ những buổi chợ hằng ngày, rồi theo ngày tháng tình yêu của họ lớn dần. Một lần, Phú sang nhà Hoàng Nhi trò chuyện. Hai người ngồi tâm tình quên mất nồi bánh đúc đang nấu dở, khi mở ra đã quá muộn, bánh đúc nửa sống nửa chín, lửa bếp thì đã tắt. Bố Hoàng Nhi biết chuyện cấm hai người gặp nhau. Từ đó, Hoàng Nhi buồn bã, ốm nặng rồi chết. Về phần chàng Phú, hôm đó Phú đem nồi bánh về, nghĩ bỏ đi thì tiếc, Phú ra vườn lấy lá dong, lá chuối khô, chuẩn bị nhân rồi gói bánh để luộc lại. Khi bánh chín, bóc ra để nguội, Phú ăn thấy ngon hơn bánh đúc. Vào ngày giỗ của Hoàng Nhi, Phú tự tay làm lại nồi bánh. Bánh làm ra đến đâu lòng Phú lại càng nhớ Hoàng Nhi đến đó. Phú mày mò tìm ra cách nấu bánh loại bánh mới này rồi mang ra chợ bán. Loại bánh mới nhanh chóng được mọi người yêu thích và nhà Phú trở nên giàu có hơn nhờ nghề làm bánh. Để cho bánh tẻ được lưu truyền mãi mãi và nhiều người biết đến, Phú đã dạy lại cách làm bánh cho người dân trong làng. Câu chuyện về nguồn gốc của loại bánh cũng được dân làng biết và họ đã đặt tên cho loại bánh này là bánh tẻ Phú Nhi..