Bánh su sê có từ bao giờ chắc ít ai biết. Chỉ biết rằng trong thế hệ những người đang sống dù trẻ hay già thì từ lúc ra đời và lớn lên đã thấy có sự hiện diện của bánh su sê trong cuộc sống xã hội.Su sê có hình bán cầu bằng độ 1/2 quả hồng xiêm, được xếp từng cặp màu vàng, màu đỏ gói trong giấy PE trong suốt. Vỏ bánh làm bằng bột hoàng tinh, nhân đậu xanh. Trước đây ở Hà Nội ngày thường sẵn có bán thứ bánh này. Còn giờ đây thì nó đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước

bánh đặc sản miền bắc
bánh đặc sản miền bắc

Có người nói rằng Su Sê là tên gọi chệch của bánh “phu thê”, một thứ bánh đặc sản nổi tiếng của làng Ðình Bảng thuộc huyện Tiên Sơn tỉnh Bắc Ninh. Xét về cội nguồn,”phu thê” Ðình Bảng có những nét độc đáo. Người Ðình Bảng đã thành thói quen, dù có nhiều hay ít ruộng vẫn dành riêng một thửa ruộng để cấy nếp cái hoa vàng.Thứ nếp này được xay lọc kỹ thành bột trắng tinh mịn mượt. Cứ 10kg gạo nếp lọc được 4kg bột bánh. Người ta giã quả dành dành (không dùng bột thực phẩm hay hoá chất) rồi lọc lấy nước màu vàng óng, thêm vào đấy nước hoa bưởi được trưng cất, cùng sợi đu đủ nạo nhỏ, ngâm phèn rồi rửa sạch, vắt kiệt. Cứ khoảng 600g đu đủ cho 1kg bột đem trộn với đường kính, nhào luyện cho thật dẻo quánh để làm vỏ bánh. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh đồ chín, giã nhuyễn xào với đường kính, cùi dừa nạo chỉ và mứt sen trần. Bánh gói lá dong luộc trong vòng 10 phút. Luộc xong thường để cách 1 ngày rồi ăn bánh mới thật ngon. Bánh bóc ra mịn màng thơm phức. Trên nền trắng lụa của vỏ bánh thấp thoáng những vân mây đu đủ trông thật gợi cảm. Hương thơm của bánh được toả ra từ lúa nếp cái hoa vàng, cộng với vị bùi béo của đậu xanh, dừa, mứt sen, hương bưởi, nước quả dành dành. Ăn một miếng bánh người ta nghĩ đến sự thưởng thức của một thú vui tao nhã mà cầu kỳ lịch sự. “Phu thê” có nghĩa là vợ chồng, là tình chồng nghĩa vợ. Bởi vậy bánh thường được bán từng cặp, là một trong những lễ vật không thể thiếu được của người Kinh Bắc như một biểu tượng của lòng chung thủy lứa đôi. Dần dần bánh “phu thê” trở thành một nét văn hoá đặc trưng, được dùng trong các việc trọng đại của gia đình, họ hàng, làng xã vào những ngày lễ Tết, cúng lễ trời phật tổ tiên và nhất là vào dịp Tết Nguyên đán để khao bạn, đãi khách.