Rêu vùng cao được đồng bào sử dụng như một món ăn “đổi vị” theo mùa. Người ta coi rêu như một món ăn thanh tao được kết tụ từ tinh hoa của đất trời, một hương vị đặc biệt trong ẩm thực miền sơn cước…

Lên cổng trời, chúng ta thường chỉ chú ý tới ruộng bậc thang, tới nhà sàn, tới những nét  văn hóa truyền thống của người dân nơi đây hay món cơm lam nổi tiếng được người dưới xuôi biết đến như thứ đặc sản dân tộc phổ biến. Chả thế mà khi lần đầu nghe tới những món ăn được làm từ rêu suối, không ít người tỏ vẻ ngạc nhiên đầy lạ lẫm.

món rêu suối
món rêu suối

Rêu vùng cao được đồng bào sử dụng như một món ăn “đổi vị” có theo mùa. Người ta coi rêu như một món ăn thanh tao được kết tụ từ tinh hoa của đất trời, một hương vị đặc biệt trong ẩm thực miền sơn cước. Thế nhưng không phải loại rêu nào cũng được dùng để chế biến thành món ăn, phải là loại rêu mọc dưới suối, nơi có các dòng chảy trong vắt được bao quanh bởi núi rừng hùng vĩ. Chỗ có nhiều rêu nhất lại chính là những nơi có ít người qua, bởi vậy mà hàng năm, mỗi khi đến mùa rêu là cư dân nơi cổng trời lại kéo nhau đi “thu hoạch” cho kịp. Lạ lẫm và đặc biệt là thế nhưng dường như vẫn chưa có một thước phim nào quay được cận cảnh bà con đi thu hoạch rêu. Có lẽ là vì công việc hái rêu này thường được diễn ra ở những khúc suối vắng, những bản làng hoang vu được phủ mờ trong sương sớm, dưới bóng của rừng già nên người ta ít chú ý, ít quan tâm.
Theo kinh nghiệm của những người dân vùng cao thì muốn hái được rêu ngon, phải lên tận thượng nguồn, bởi nơi đó nước suối sạch và trong. Hái rêu cũng cần phải có “kỹ thuật”, người dân vùng cao nói vui rằng rêu rất “khó tính”, nếu không biết “chiều” thì rêu sẽ nát và đôi khi ta sẽ lấy phải cả gốc rêu và đất đá xung quanh.

Không biết vì người dân vùng cao coi công việc hái rêu chỉ dành cho phụ nữ hay vì một lý do gì mà người ta thường chỉ thấy các cô gái Mông, gái Thái… trong những bộ váy sặc sỡ nổi bật của dân tộc mình ra suối hái rêu. Rêu mơn man dưới làn nước, khi được hái lên vẫn còn đọng hạt nước lưu luyến để rồi được cuộn tròn thành từng nắm cất vào chiếc gùi trên vai của cô thiếu nữ vùng cao.

Công việc chế biến rêu thành món ăn của các dân tộc về cơ bản là giống nhau. Đầu tiên, người ta bỏ rêu  lên những tảng đá nhẵn và đập cho đến khi rêu không còn sạn hay lẫn với sỏi. Sau đó, từng nắm rêu được rửa sạch cho đến lúc nước trong thì các thiếu nữ sơn cước đem rêu ủ cùng với muối và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Rêu có thể được dùng để nấu với nước luộc xương, luộc gà để tạo thành món canh rêu hấp dẫn hay luộc chín để ăn thay rau. Vậy nhưng, thú vị và đặc biệt nhất phải kể đến món rêu nướng. Để làm được món ăn này, đôi bàn tay của người phụ nữ vùng cao phải khéo léo xé rêu ra thành từng sợi nhỏ cho bông. Sau đó, rêu được thái thành từng khúc và trộn với những thứ gia vị bí quyết như hạt sẻn, hạt dổi, hạt mắc khén, ớt, tỏi, gừng, lá chanh, củ xả… Cuối cùng, người ta đem rêu đã được ướp cẩn thận đặt vào trong những chiếc lá rong hay lá chuối rừng đã được rửa sạch, dùng lạt buộc chặt hai đầu và đem nướng trên bếp than.

Rêu chín tỏa mùi thơm đặc trưng, hơi hăng nhưng ngậy và thoang thoảng mùi gia vị được tẩm ướp khéo léo. Đồng bào vùng cao quý người nên thường dùng món ăn này để đãi khách trong những dịp đặc biệt. Bên bếp lửa bập bùng, bà con ngồi quay quần trong bữa cơm ấm cúng. Miếng rêu nướng thơm ngon có chén rượu đãi bôi khiến tình cảm thêm gắn bó.

Không chỉ là món ăn ngon, rêu còn được sử dụng  như một bài thuốc đặc trị giúp lưu thông khí huyết, giải độc và chống căn bệnh cao huyết áp. Các già làng trong bản truyền bí quyết lại cho con cháu trong dòng họ rằng ăn rêu có thể chống được “ngã nước”, sốt rét… Chính vì vậy mà mỗi khi trong bản làng có chàng trai nào đi rừng xa thì nhất định phải nướng rêu ăn để đuổi “sơn lam chướng khí”. Ngẫm ra thì việc ăn rêu đơn giản là thế, nhưng ẩn chứa trong nó là một nét văn hóa đặc biệt của cư dân nơi cổng trời…