Ẩm thực miền Bắc thường không đậm các vị cay, béo, ngọt bằng các vùng khác, chủ yếu sử dụng nước mắm loãng, mắm tôm. Sử dụng nhiều món rau và các loại thủy sản nước ngọt, v.v. Nhìn chung, do truyền thống xa xưa có nền nông nghiệp lâu đời, ẩm thực miền Bắc trước kia ít thịnh hành các món ăn với nguyên liệu chính là thịt, cá và mang nhiều tính tâm linh trong các món ăn. Ngày nay ẩm thực miền Bắc rất đặc sắc, đa dạng và mang nhiều hương vị đặc trưng của vùng.

Phở Hà Nội

Món ăn Hà Nội có nhiều, nhưng nhắc đến món ăn Hà Nội là người ta nhắc đầu tiên đến phở. Phở như một thứ đại diện mang tính bản sắc, đặc thù của món ăn Hà Nội. Lý do thật đơn giản phở Hà Nội khác hẳn các nơi khác, nó không thể trộn lẫn với bất cứ một thứ phở nơi nào, cho dù ở đó người ta đã cố tình trương lên cái biển Phở Hà Nội.

đặc sản của miền Bắc
đặc sản của miền Bắc

Phở Hà Nội có cái ngọt chân chất của xương bò, cái thơm của thịt vừa chín đến độ để vẫn dẻo mà lại không dai. Màu nước phở trong, bánh phở mỏng và mềm. Chỉ nhìn bát phở thôi cũng đủ thấy cái chất sành điệu, kỹ càng trong ăn uống của người Hà Nội. Một nhúm bánh phở đã trần qua nước nóng mềm mại dàn đều trong bát, bên trên là những lát thịt thái mỏng như lụa điểm mấy ngọn hành hoa xanh nõn, mấy cọng rau thơm xinh xắn, mấy nhát gừng màu vàng chanh thái mướt như tơ, lại thêm mấy lát ớt thái mỏng vừa đỏ sậm vừa màu hoa hiên

 

Cốm Làng Vòng – Hà Nội

Về Hà Nội, không ai không nhớ đến một thứ quà ngon nổi tiếng, thứ quà của lúa non. Cái thứ quà vừa dân dã vừa thanh tao đó có tên gọi là “Cốm làng Vòng”. Làng Vòng cách trung tâm Hà Nội về phía Tây Bắc độ dăm cây số

Cũng như những thứ quà khác, cốm ngày xưa được làm ra với ý nghĩa ban đầu là làm quà sêu tết, tặng nhau. Ấy mới có chuyện những chàng rể xưa muốn lấy lòng bố mẹ vợ liền làm cốm đem biếu. Dần dần phát hiện ra thứ quà thanh nhã và tinh khiết ấy rất phù hợp với các việc lễ nghi nên người ta làm cốm để thờ cúng tổ tiên, lễ chùa và dùng trong đám cưới, đám hỏi của người Kinh Bắc. Cho đến nay, cốm Vòng được bán khắp các phố, chợ Hà Nội. Cứ mỗi mùa thu đến, lại thấy các bà, các chị làng Vòng quẩy đôi gánh xinh xinh, giắt đầy cây lúa non đã tuốt hạt, đi dọc các phố mà rao “Ai cốm đây”, nghe thật quen thuộc

Bánh chưng đen – Lạng Sơn

Bánh chưng đen là đặc sản của huyện miền núi Bắc Sơn (Lạng Sơn). Với người dân tộc Tày nơi đây, món bánh chưng đen không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, trời đất mỗi khi xuân về…

Nhân bánh là đỗ xanh đượm hành, mỡ, hạt tiêu, thịt và được bao bọc bởi lá dong rừng. Chiếc bánh được gói thành hình trụ dài khoảng 30 cm, đường kính độ 7 cm, dùng lạt dài cuốn quanh cho chặt rồi được nấu bằng những cây củi đượm lửa nên có hương vị thơm ngon rất đặc trưng. Điều đặc biệt là bánh chưng đen ăn không bị nóng cổ, nóng bụng như bánh chưng thường vì tro nếp đã khử mùi chua, độ nóng của gạo nếp…

Dê núi Ninh Bình

Ninh Bình nổi tiếng với cố đô Hoa Lư, thắng cảnh Tam Cốc, Bích Động, nhà thờ đá Phát Diệm… Nhưng nếu du khách đến đây chưa ăn món thịt dê thì coi như chưa biết thấu đáo về Ninh Bình.

Thịt dê Ninh Bình ngon hơn các vùng khác vì hai lẽ: dê ở đây nuôi trên núi đá, ăn đa dạng các loại lá cây nên thịt săn chắc hơn so với dê thả đồi. Thứ hai, người Ninh Bình có bí quyết riêng, biến dê thành món đặc sản nổi tiếng. Đặc biệt món tái dê làm rất khéo, thịt ngọt và giòn, ăn với các loại rau thơm như lá đinh lăng, lá mơ, lá sung… vị bùi bùi sẽ ngấm vào tận tâm can của người thưởng thức!

Bánh đậu xanh Hải Dương

Theo người dân Hải Dương, nơi nổi tiếng với món bánh đậu xanh, xưa kia món quà này chỉ để dành cho những người giàu có quyền quý. Hoàng đế Bảo Đại một lần đi kinh lý qua đây đã được tiến dâng loại bánh đặc sản này, ngài đã hết sức khen ngợi. Trên tờ sắc có in hình con rồng vàng tượng trưng cho uy lực của nhà vua. Từ đó bánh đậu xanh Hải Dương có tên gọi là Bánh đậu xanh Rồng Vàng

Bánh đậu xanh không chỉ ngon mà còn bổ. Bánh có tác dụng giảm béo đối với người trung niên, giảm Cholesterol và mỡ trong máu, cũng như đề phòng các bệnh xơ cứng động mạch ở người cao tuổi. Đông y cho rằng: Đậu xanh tính bình, vị ngọt có tác dụng thanh nhiệt, giải độc… rất tốt cho cơ thể con người, đặc biệt là người mới ốm dậy. Cái chất “tốt lành” ấy, cùng với sự thanh tịnh của “vị ngọt thôn quê” đã khiến bánh đậu xanh không chỉ là món quà ấm áp cho người thân, bạn bè mà còn là tấm lòng thảo thơm thờ cúng tổ tiên vào những ngày lễ tết. Rất nhiều người Việt nói chung và người Hải Dương sống ở nước ngoài, mỗi lần về thăm quê cha đất tổ đều không quên mang theo mấy hộp bánh đậu xanh làm quà khi quay trở lại xứ người.

Bánh Phu Thuê Đình Bảng – Bắc Ninh

Đây là một nét đặc trưng của nền văn hóa Kinh Bắc. Ai chưa được ăn thì bị hấp dẫn bởi cái tên, còn ai đã từng một lần thưởng thức thì không thể quên hương vị độc đáo của nó. … Người ta nghĩ và tin tưởng rằng, được ăn bánh này thì gia đình sẽ hạnh phúc hơ

Khi ăn bánh ta sẽ thấy độ dẻo của nếp, độ giòn của đu đủ, độ ngậy của đỗ xanh, vị béo của cùi dừa, vị bùi của hạt sen, vị ngọt của đường…, tất cả hòa quyện vào nhau làm thành hương vị rất riêng của bánh. Nhân bánh hình tròn nằm trong vỏ bánh bẻ khuôn hình vuông bằng lá dừa, như biểu tượng vuông tròn của triết lý âm dương. Người ta dàn mỏng bột lên khuôn, đặt nhân vào một đầu rồi đắp phần bột còn lại lên nhân như thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình phu thê. Triết lý ngũ hành cũng được thể hiện một cách tinh tế qua năm mầu của bánh, đó là mầu trắng của bột lọc và cùi dừa, mầu vàng của dành dành và nhân đỗ, mầu đen của hạt vừng, mầu xanh của lá, mầu đỏ của lạt buộc. Tất cả như biểu tượng cho sự hòa hợp của đất trời và con người.

Chè Thái Nguyên

Chè Thái Nguyên có vị đặc trưng là chát dịu, để lâu có vị ngọt nơi đầu lưỡi không nơi nào có được, vì thế mà đã có được các thị trường xuất khẩu lớn như Nhật, Singapore, Mỹ, Trung Quốc… Thưởng trà cũng cần có kẹo lạc, hạt hướng dương, hoa hồng cho thêm bùi, thêm đượm.


Chả mực Hạ Long Quảng Ninh

Chả mực của vùng biển Quảng Ninh là một đặc sản và phải nếm thử chả mực của chính Hạ Long bạn mới cảm nhận được đúng nhất hương vị tuyệt vời của món ăn này

Món chả mực ngon nhất vẫn là dùng với xôi trắng. Hạt xôi khô nhưng mềm, thơm hương nếp mới quyện với mùi chả vừa béo vừa ngọt. Mới ngửi đã thấy khó mà cưỡng lại được sức hút của món ăn này. Nếu muốn chấm thì nên chấm với mắm nguyên chất bỏ thêm ít hạt tiêu, món ăn sẽ thêm ngon miệng và đậm đà hơn.

Thắng Cố SaPa Lào Cao

Nói đến thắng cố, ai cũng biết đó là đặc sản của đồng bào dân tộc Mông ở miền núi phía Bắc. Nhưng bây giờ, thắng cố đã trở thành món ăn ngon và quen thuộc của nhiều tộc người vùng cao. Trời càng lạnh, thắng cố càng ngon, thêm bát rượu ngô ấm nồng với người miền núi thực không có gì sánh bằng. Thắng cố được chế biến từ thịt lợn, thịt chó, thịt ngựa hay thịt dê.