Bánh đúc bột lọc làng Ẻn (Vũ Yển) thật công phu, chỉ làm trong ngày Tết để cúng gia tiên. Để có đĩa bánh đúc, các bà, các chị phải chuẩn bị hàng tháng trước Tết. Từ đời ông cha xưa truyền lại theo kinh nghiệm dân dã, tháng chạp phải tìm các thứ: Cây vung vang, vỏ trẩu, vỏ sở, vỏ lạc, sơ vừng, quả thừng mực lấy vỏ đem phơi nắng khô giòn, rồi cho vào túi giữ kín (thường mỗi thứ 1kg).

Bánh đúc bột lọc
Bánh đúc bột lọc

Khoảng trước tết mươi ngày, đốt các nguyên liệu trên thành tro than, cho vào vại hòa trong nước lã. Có chút vôi củ, khuấy đều lên một lúc, để nước lắng dần, gạn lấy nước bên trên, gọi là nước nẳng. Thứ nước này làm cho bánh trong suốt và dẻo. Chọn loại gạo tẻ ngon, ngâm qua, đưa xay bằng cối đá, bột được rồi còn phải rây kĩ đến khi không còn cắn, sạn mới đem ngâm vào nước nẳng một ngày đêm. Bột lắng, gạn nước nẳng ra thay vào nước lã trong sạch, tiếp tục ngâm khoảng một tuần, cứ mỗi sáng trước khi mặt trời chiếu nắng thì thay nước (vì có ánh nắng, khí hậu nóng, bột dễ bồng và chua) dùng tay bóp bột tan ra khoắng đều rồi gạn lọc đến khi không còn một vệt bẩn, một hạt sạn mới đạt yêu cầu.

Ngày Tết làm cỗ cúng gia tiên, mừng xuân mới, người quấy bánh đúc phải là các mẹ, các chị. Trước khi quấy thật, phải quấy thử, cho bột vào cái soong, nồi nhỏ hòa nước lã, đun lửa, khoắng đều đến khi bột chín trong, xem chất lượng bánh, rút kinh nghiệm các thao tác, cách pha chế nước, độ lửa… để quấy mẻ bánh chính thức. Tùy độ bột nhiều, ít mà dùng đồ quấy bánh to hay nhỏ. Thông thường dùng nồi đồng, sanh đồng miệng rộng để dễ quấy.

Mẻ bánh đạt chuẩn đòi hỏi kỹ thuật tổng hợp và bàn tay khéo léo, kinh nghiệm dày dạn của người làm: Bột hòa nước lã trong, tinh khiết phải vừa đủ: Độ lửa cần mức vừa phải, đôi tay khoắng, đảo bằng đũa cả to khi nào khoan thai, khi nào phải bắt chéo mau lẹ để bánh không cháy… rồi nhìn màu trắng trong của bánh, bắt thử sợi bột trên đầu đũa cả. Để biết bánh đã chín, đạt tiêu chuẩn.

Bánh được rồi đưa vào đĩa. Những nhà giàu có, thường chọn đĩa có hoa văn đẹp, nhiều sắc mầu. Bởi sau tuần cúng, hạ mâm, khoảng hàng tiếng đồng hồ, bánh đã nguội, đã dính chặt vào đĩa, đĩa bánh như đánh thức cả ngũ giác. Lật ngược đĩa bánh trong suốt, in hình rõ từng nét hoa văn, nhìn đã mát mắt, cảm tưởng như được thưởng thức bức tranh đẹp lung linh qua làn bột trong dẻo, càng gợi cảm hứng muốn được thưởng thức.

Khâu chế biến nước chấm cũng là công đoạn rất quan trọng. Thứ bánh đúc này phải chấm với nước mắm chắt màu vàng xộm (loại hảo hạng) thêm chút cà cuống và hồ tiêu lại ăn với giò lụa, uống với ly rượu nếp thì thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi.