Yên Mô vốn là đất Trần Ngỗi lên ngai vàng (tức Trần Giản Định, nhà Hậu Trần). Ông giương cao ngọn cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược bởi vậy, làng Hưng Hiền, xã Yên Mỹ cũng như nhiều làng quê khác ở Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, hàng năm mở lễ hội vào tháng giêng, hai, thường làm nhiều thứ bánh để cúng thần trong đó có bánh Dứa.

Bánh Dứa
Bánh Dứa

Đầu tiên, cần chọn loại gạo nếp ngon – nếp cái hoa vàng. Hạt nếp bóng và ‘mọng’, có độ dẻo và hương thơm vào loại siêu hạng. Những mẻ nếp đem rang, nóng vừa độ ấm tay, đem trộn với nước đường trắng. Nhân là hai vị thuốc dễ kiếm – thảo quả và quế chi, ‘tán’ nhỏ, nhuyễn rồi đặt vào giữa bánh. Bánh Dứa không dùng chõ đồ, cũng không cho vào nồi luộc và cũng không kẹp vào vỉ thép như kiểu nướng chả mà bánh này phải sấy – sấy khô trên than hồng. Việc sấy bánh cũng đòi hỏi sự ‘linh cảm’ của bàn tay, sao cho bánh khô vừa đến độ giòn. Đây là loại bánh mang ‘nhãn hiệu Hưng Hiền’. Bánh được đặt trên đĩa cổ, lại đặt trong mâm quả, phủ vải điều, trịnh trọng đội lên đầu để ra đình lễ thánh. Hương vị của bánh Dứa là sự kết hợp của nhiều yếu tố: Mùi hương của nếp quê, chất thơm của thảo quả; vị cay nhẹ của quế chi; cái ngọt của đường; sự giòn của tài sấy bánh.