Người xưa đã thường sử dụng những sản phẩm từ cây trồng để làm nên các món ăn, các loại bánh mang hương vị đặc trưng của từng vùng miền. Đến giờ, du khách đến mỗi địa phương đều có thể tìm cho mình một món ẩm thực khoái khẩu trong đó có các loại bánh như: Bánh cốm- Hà Nội, Bánh Phu thê- Bắc Ninh, Bánh cáy- Thái Bình, Bánh đậu xanh- Hải Dương… Và Nam Định có bánh Gai mà phải là bánh Gai Bà Thi mới ngon.

Bánh gai Bà Thi
Bánh gai Bà Thi

Bánh Gai bà Thi cái tên đó bắt nguồn từ đâu? Nghe các cụ kể lại rằng: Những ngày đầu trên đường Trần Hưng Đạo xuất hiện một hàng bánh gai, người bán hàng đứng tuổi với gương mặt phúc hậu xếp những khay đựng bánh gai đặt trong đôi quang gánh bằng mây niềm nở bán hàng. Đó là hàng bánh gai Bà Thi. Những ai đã từng ăn bánh của bà thì không thể nào quên được cách tiếp khách niềm nở sự ân cần của bà khi chỉ cho khách cách bóc bánh sao cho khỏi dính lá, cách ăn bánh sao cho khỏi rơi nhân. Bà Thi không trực tiếp làm bánh, nhưng nhờ cái duyên bán hàng mà bánh Gai của bà bán rất chạy và lâu dần người dân quen gọi là bánh Gai Bà Thi. Thậm chí cho đến bây giờ cái tên gọi đó vẫn quen thuộc không chỉ với người dân Thành Nam mà còn trên cả nước, thậm chí còn theo chân những du khách và nhất là Việt Kiều vượt khỏi biên giới quốc gia.

bánh gai và nước trà gừng
bánh gai và nước trà gừng

Bánh gai Nam Định đặc biệt là bánh Gai Bà Thi thì dù có để lâu vẫn giữ được độ thơm, độ mềm dẻo, và béo ngậy. Bánh Gai người ta không ăn lấy no mà chỉ ăn cho đỡ thèm. Ngày nay, về Nam Định đi dọc phố Trần Hưng Đạo ta có thể bắt gặp rất nhiều cửa hàng bày bán bánh Gai Bà Thi. nhu cầu của người dân thì cũng xuất hiện thêm nhiều tuyến phố bày bán bánh Gai Bà Thi trong đó phải kể đến đường Điện Biên từ dưới Bến xe lên đến tận cầu ốc. Bên cạnh các nghề thủ công truyền thống thì nghề làm bánh Gai và bán Bánh Gai đã giải quyết số lượng lớn lao động trên địa bàn thành phố nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Cùng với bánh Nhãn, Kẹo Sìu Châu, Bánh Gai Bà Thi đã làm phong phú thêm nét văn hoá ẩm thực của Thành Nam và của cả nước. Nhiều du khách nhất là Việt Kiều về quê ăn tết hàng năm đều ra đi với những xấp bánh gai nằm lặng lẽ trong valy như gói ghém tâm tình của kẻ ở người đi, với man mác buồn vui của quê nhà yêu dấu cùng tấm lòng tha thiết về Thành Nam.